Trong
những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật đã thúc đẩy
các ngành công nghiệp sản xuất tự động phát triển theo. Trong lĩnh vực cơ khí
chế tạo, sự ra đời của máy công cụ điều khiển bằng chương trình số với sự trợ
giúp của máy tính, gọi tắt là máy CNC, đã đưa ngành cơ khí chế tạo sang một thời
kỳ mới, thời kỳ sản xuất hiện đại.
Hầu
hết các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay, ít nhiều đều được bố trí các máy
công cụ CNC để phục vụ sản xuất, bao gồm các loại máy Phay, Tiện, Bào, Mài,
Khoan... có số trục điều khiển 2, 3, 4, 5. Nhưng các cơ sở sản xuất hầu như chưa
biết cách khai thác hết khả năng gia công trên máy. Lý do chủ yếu là trình độ
lập trình của cán bộ kỹ thuật Việt Nam còn yếu, các chương trình điều khiển máy
CNC được người lập trình viết bằng tay, chưa biết sử dụng các phần mềm hỗ trợ để
lập trình.
Ứng
dụng công nghệ CAD/CAM phục vụ cho máy công cụ CNC là vấn đề được nhiều người
quan tâm, bởi công nghệ này không chỉ phục vụ trong sản xuất hiện đại, mà còn
góp phần nâng cao năng suất chế tạo sản phẩm gia công cơ khí. Chất lượng của một
sản phẩm gia công cơ khí không chỉ là vấn đề về độ bền, độ bóng bề mặt, mà còn
bao hàm cả độ chính xác về vị trí tương quan, độ chính xác hình dáng hình học
của chi tiết gia công. Để chế tạo được những sản phẩm cơ khí có đủ những tính
năng như vậy, đối với hiện nay còn nhiều khó khăn, chính vì vậy mà hầu hết các
sản phẩm cơ khí phức tạp và có độ chính xác cao, hiện nay phải nhập ngoại với
giá cao.
Ngày nay, nhiều phần mềm đồ họa phục vụ
trong lĩnh vực thiết kế ba chiều, mô phỏng chuyển động, hỗ trợ lập trình gia
công trên máy công cụ CNC lần lượt được giới thiệu ở các nước phát triển như:
Mastercam, Solid Work, Cimatron, Catia, Pro/Engineer (CreO), NX,... Các phần mềm
tiện ích này cũng đã có mặt ở Việt Nam. Đây là những phần mềm rất mạnh, cho phép
nhanh chóng thiết lập được các bản vẽ 2D, 3D của chi tiết máy và cho phép tự
động chuyển mã chương trình gia công trên máy công cụ CNC.